Rockefeller từng nói rằng: “Cuộc đời giống như một ngọn núi, nếu cha mẹ bạn sống ở đỉnh núi thì bạn sinh ra đã được ở đỉnh núi, nếu cha mẹ bạn sống ở chân núi thì nơi bạn trưởng thành cũng sẽ ở chân núi, nguồn gốc xuất thân sẽ quyết định xuất phát điểm khác nhau của mỗi người.”
Nhưng ông cho rằng, một người có xuất thân tốt thì xuất phát điểm sẽ cao hơn người khác, nhưng xuất phát điểm không thể quyết định cả cuộc đời của người đó. Người ở đỉnh núi chẳng thể sống mãi trên đỉnh núi, mà người ở chân núi cũng sẽ không dừng ở chân núi cả đời.
Rockefeller từng quen biết rất nhiều người giàu có, nhưng cuối cùng những người đó chẳng còn gì trong tay. Ông cũng gặp qua rất nhiều người khởi nghiệp thành công từ hai bàn tay trắng và bản thân ông cũng là một trong số đó.
Trên đời này không có ai nghèo mãi, cũng chẳng ai giàu mãi. Cuộc sống của chúng ta là do hành động của chính chúng ta quyết định.
Vậy nếu muốn thông qua hành động để thay đổi cuộc sống của chính mình thì cần phải làm như thế nào?
Trong “38 bức thư của tỷ phú Rockefeller gửi cho con trai”, Rockefeller đã chỉ ra rằng: “Cuộc sống của một người sẽ xoay quanh 3 thái độ sống, giàu hay nghèo là tùy thuộc vào sự lựa chọn của bản thân.”
1. Không ngừng theo đuổi thành công
Thời thơ ấu, gia đình Rockefeller rất nghèo khổ, tất cả sách vở ông dùng hồi đi học đều do những người hàng xóm tốt bụng mua cho.
Ban đầu, ông chỉ là một nhân viên kế toán nhỏ với mức lương 5 USD/tuần, nhưng dựa vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã thành lập lên đế chế dầu mỏ hùng mạnh nhất thế giới.
Rockefeller tin rằng, đây chính là hồi đáp cho sự phấn đấu tích cực, kiên trì bền bỉ của mình, đó là phần thưởng ông đạt được khi không ngừng theo đuổi thành công.
Trong cuộc sống, rất nhiều người không có khát vọng theo đuổi thành công, bởi họ cho rằng bản thân đang ở vị trí thua thiệt hơn trong cuộc đua, vậy nên họ chống đối cuộc sống một cách tiêu cực.
Nhưng cơ hội có bao giờ đến một cách công bằng không?
Đáp án Rockefeller đưa ra rất tàn nhẫn, cơ hội vĩnh viễn sẽ không công bằng. Thế nhưng đừng nản lòng, ông nói rằng cơ hội tuy không công bằng, nhưng kết quả thì có khả năng sẽ công bằng.
Trong lịch sử, dù là giới thương nhân hay giới chính trị, có rất nhiều người dựng lên cơ đồ từ hai bàn tay trắng. Họ cũng từng là những người nghèo có rất ít cơ hội, nhưng họ dựa vào nỗ lực và khát vọng theo đuổi thành công để làm nên nghiệp lớn.
Những lợi thế ban đầu rất hữu ích, nhưng những lợi thế đó không thể bảo đảm sự chiến thắng đến cuối cùng. Những người có xuất phát điểm cao thường thiếu đi nhiệt huyết muốn thay đổi cuộc đời hơn người có xuất phát điểm thấp.
Mặt khác, những người có xuất thân nghèo khổ, họ muốn “cứu rỗi” cuộc đời mình nên sẽ tích cực phát huy khả năng sáng tạo và năng lực bản thân, luôn trân trọng mọi cơ hội.
Vì vậy, nhiệt huyết theo đuổi thành công chính là chất xúc tác để người bình thường tăng tốc và vượt qua đối thủ của mình trên mọi đường đua.
2. Không cố đuổi theo những công việc hay công ty thật hoàn hảo
Một số người có năng lực, có quyết tâm và mục tiêu rõ ràng để đạt đến đỉnh cao cuộc đời, nhưng họ thậm chí không thể leo đến lưng chừng núi, tại sao lại như vậy?
Đó là do họ rất kén chọn với công việc, luôn muốn tìm được một công việc hay một công ty thật hoàn hảo, và trước khi tìm được, họ hầu như không nỗ lực làm gì cả.
Trên thực tế, căn bản sẽ không có công việc hay công ty nào hoàn hảo cả.
Rockefeller cũng là một người không hài lòng với thực tại, vậy ông có quan điểm thế nào về một công việc không hoàn hảo?
Công việc đầu tiên Rockefeller làm đó là một nhân viên kế toán nhỏ. Thời điểm đó, mỗi ngày ông phải đi làm từ khi tờ mờ sáng, văn phòng nơi ông làm việc vừa nhỏ vừa tối và thường phải làm mười mấy tiếng mỗi ngày. Thế nhưng công việc đó chưa bao giờ làm ông cảm thấy nhàm chán, ngược lại, nó khiến ông thích thú và vui vẻ.
Ngay cả những phiền phức rườm rà chốn công sở cũng chẳng thể làm giảm đi nhiệt huyết của ông. Kết quả là, công ty liên tục tăng lương cho ông.
Rockefeller thừa nhận rằng ông là một người tham vọng, ngay từ nhỏ ông đã muốn trở nên giàu có. Vậy tại sao chỉ làm một nhân viên viên kế toán nho nhỏ lại có thể khiến ông vui vẻ đến vậy?
Bởi vì ông biết rằng, một người dù tham vọng có lớn cỡ nào thì cũng phải bắt đầu hành động rồi mới tiến đến được đỉnh cao. Thế nên ông coi công việc hiện tại là một cơ hội tốt để rèn luyện bản thân.
Rockefeller nhắc nhở chúng ta rằng: tiền lương khi làm việc chỉ là thứ yếu, cứ làm tốt những gì ta nên làm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mức lương lý tưởng ta mong muốn tự khắc sẽ đến. Quan trọng hơn hết, thù lao tốt nhất chúng ta vất vả đạt được không phải là những thứ ta có ở hiện tại, mà là những gì ta đạt được trong tương lai.
Có thể chúng ta không hài lòng với công việc hiện tại, nhưng chẳng có ai một bước lên trời, chúng ta có thể tận dụng công việc hiện tại rèn luyện bản thân, để mở đường cho những cơ hội đến với thành công trong tương lai.
Hãy nhớ rằng, tích lũy kinh nghiệm từ những việc nhỏ ở hiện tại để xây dựng nghiệp lớn cho mai sau.
3. Thái độ quyết định tầm cao cuộc sống
Thái độ làm việc sẽ quyết định cuộc sống của chúng ta có hạnh phúc hay không. Một câu chuyện được lưu truyền từ lâu đã chứng minh điều này
Có 3 người thợ điêu khắc đá, có một người tiến tới lần lượt hỏi 3 người họ: “Anh làm gì ở đây thế?”
Người thợ đầu tiên trả lời: “Anh không thấy sao? Tôi đang đục đá, đục xong hòn đá này là tôi có thể về nhà.” Kiểu người này luôn cho rằng làm việc là một hình phạt, lời kêu than “mệt mỏi” luôn được treo trên miệng anh ta.
Người thợ thứ hai đáp: “Anh không thấy sao? Tôi đang tạc tượng. Công việc này tuy vất vả, nhưng lương cao, tôi còn phải lo cho cả gia đình nữa.” Kiểu người này luôn coi công việc là trách nhiệm, anh ta luôn đề cập đến việc phải chăm lo gia đình.
Người thợ thứ ba đặt búa xuống, chỉ vào bức chạm khắc trên đá, nói một cách tự hào: “Anh không thấy sao? Tôi đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật.” Kiểu người này luôn coi công việc là niềm vui, niềm tự hào, người khác sẽ thường nghe thấy anh ta khen rằng công việc này thật thú vị.
Kiểu người thứ ba sẽ luôn vui vẻ, cũng dễ đạt được thành tựu cao hơn 2 kiểu người trước đó.
Thiên đường hay địa ngục là do chính bản thân tạo ra, khi chúng ta gửi gắm một ý nghĩa nào đó vào công việc, cho dù đó là việc lớn hay việc nhỏ ta đều sẽ cảm thấy vui vẻ, cũng dễ đạt được thành công hơn.
Ngược lại, nếu chúng ta đã không thích làm, thì dù đó là việc nhỏ ta cũng sẽ cảm thấy khó khăn, muốn đạt được thành tựu gì đó lại càng khó hơn. Khi chúng ta coi làm việc là một hoạt động thư giãn vậy cuộc sống chính là thiên đường; nếu ta coi làm việc là nghĩa vụ vậy thì cuộc sống chính là địa ngục.
Ở đời, ai mà chẳng phải làm việc để kiếm tiền. Nếu vậy, sao chúng ta không coi việc kiếm tiền như một niềm vui? Khi mà làm việc, kiếm tiền trở thành niềm vui thì khoảng cách của một người với sự giàu có sẽ không còn xa nữa.
Xuất phát điểm cao không thể hiện rằng cả đời này đều sẽ có thành tựu, người ở xuất phát điểm thấp cũng sẽ có nhiều cơ hội để “trở mình”. Cho dù xuất phát điểm ra sao, thì cuối cùng vận mệnh cũng do chính chúng ta quyết định.
Trên đời này không có ai nghèo mãi, cũng chẳng ai giàu mãi. Cuộc sống của chúng ta là do hành động của chính chúng ta quyết định.
(st)