Việt Nam xếp thứ 41 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế đóng góp lớn cho nền kinh tế toàn cầu năm 2021, với 0,4 nghìn tỷ USD, chiếm 0.4% tổng GDP toàn cầu.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hoa Kỳ là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021. GDP Hoa Kỳ năm 2021 đạt mức 22,9 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 24,4% nền kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, chỉ riêng GDP của Hoa Kỳ đã lớn hơn GDP của 170 quốc gia cộng lại.
Theo đó, các ngành tài chính, bảo hiểm và bất động sản (4,7 nghìn tỷ USD) đóng góp nhiều nhất vào nền kinh tế nước này, tiếp theo là các dịch vụ và kinh doanh (2,7 nghìn tỷ USD) và chính phủ (2,6 nghìn tỷ USD).
Theo sau đó là Trung Quốc, với mức 16,9 nghìn tỷ USD trong GDP toàn cầu. Đây vẫn là "cơ sở sản xuất" lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực như thép, thiết bị điện tử, robot... Xếp thứ 3 là Nhật Bản, với GDP đạt mức 5,1 nghìn tỷ USD, chiếm 5,4% GDP toàn cầu.
Đáng chú ý, Việt Nam xếp thứ 41 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế đóng góp lớn cho nền kinh tế toàn cầu năm 2021, với 0,4 nghìn tỷ USD, chiếm 0.4% tổng GDP toàn cầu.
Tuvalu là nền kinh tế có quy mô GDP nhỏ nhất toàn cầu, với GDP đạt 70 triệu USD. Tương tự như Tuvalu, nhiều nền kinh tế nhỏ nhất thế giới khác nằm ở châu Đại Dương, bao gồm Nauru, Palau và Kiribati. Các quốc gia này phụ thuộc phần lớn vào ngành du lịch, vốn đóng góp hơn 1/3 số việc làm trên cả nước.
Ngoài ra, xét về tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, Libya dẫn đầu với mức tăng trưởng GDP 2021 vào khoảng 123%.
Sự tăng trưởng vượt bậc của Libya nằm ở các mỏ dầu, với 1,2 triệu thùng được bơm lên mỗi ngày. Cùng với điều này, xuất khẩu và đồng tiền giảm giá là một trong những yếu tố chính đằng sau tốc độ phục hồi.
Tiếp đến là nền kinh tế Ireland, với mức tăng trưởng GDP là 13%, đang được hỗ trợ bởi các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trên thế giới. Facebook, TikTok, Google, Apple và Pfizer đều có trụ sở chính ở châu Âu tại quốc gia này, nơi có thuế suất doanh nghiệp chỉ là 12,5% - bằng khoảng một nửa mức trung bình toàn cầu.
Song, các mức thuế suất này sẽ sớm thay đổi, khi Ireland đã tham gia thỏa thuận thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15% với OECD.
Năm 1970, nền kinh tế thế giới chỉ có GDP khoảng 3 nghìn tỷ USD - nhỏ hơn 30 lần so với hiện tại. Trong 30 năm tới, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi một lần nữa. Đến năm 2050, tổng GDP toàn cầu có thể đạt gần 180 nghìn tỷ USD.