Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tuyên bố chiến thắng trong việc ngăn chặn giao dịch tài sản ảo. Đây được xem là một phần trong nỗ lực duy trì sự ổn định tài chính quốc gia.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), coi tiền điện tử là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh tài chính và hoạt động kiểm soát vốn.
"Trong khi chúng tôi tiếp tục truy quét các giao dịch nội địa và việc thổi phồng tài sản ảo, thị phần giao dịch Bitcoin ở Trung Quốc đã giảm mạnh", cơ quan này cho biết trong một bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức.
Theo đó, vào tháng 3, tỷ trọng giao dịch Bitcoin trên toàn cầu của Trung Quốc đã giảm xuống 10%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh đạt hơn 90% vào năm 2017.
Chưa dừng lại ở đó, PBOC cũng nhận định rằng tiền điện tử và các giao dịch ngang hàng (peer-to-peer - P2P) được coi là những mối đe dọa đối với ngành ngân hàng.
Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã liên tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm siết chặt các loại tài sản kỹ thuật số. Năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả hoạt động giao dịch và khai thác các loại tài sản kỹ thuật số.
Gần đây nhất, vào tháng 4, quốc gia này cũng ban hành lệnh cấm việc sử dụng các mã thông báo không thể thay thế (NFT) làm tài sản tài chính như chứng khoán, bảo hiểm, các khoản vay hay kim loại quý.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nơi có rất nhiều hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Theo báo cáo mới nhất của Chainalysis về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu, Trung Quốc là quốc gia xếp ở vị trí thứ 10. Năm 2020, quốc gia này từng đứng ở vị trí thứ 4, nhưng đã giảm xuống vị trí thứ 13 trong năm 2021 do các động thái ngăn chặn từ phía chính phủ.
Hoạt động khai thác Bitcoin tại Trung Quốc vẫn đang diễn ra một cách âm thầm. Tỷ lệ băm (hashrate) của Bitcoin đến từ các địa chỉ Internet (IP) của Trung Quốc đã giảm xuống 0 vào năm ngoái, nhưng đã tăng trở lại mức 20% trong năm nay.
Trước đó, vào đầu tháng 8, cơ quan quản lý Internet Trung Quốc cho biết các nhà chức trách của quốc gia này đã triển khai chiến dịch mới nhắm mục tiêu vào các cuộc thảo luận và quảng bá tiền điện tử trực tuyến.
Cụ thể, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội tại quốc gia này chấm dứt 12.000 tài khoản có liên quan đến tiền điện tử.
CAC cho biết đây là một phần của chiến dịch mới nhắm vào "sự hỗn loạn của hoạt động đầu cơ tiền điện tử". Đơn vị này cũng nói thêm rằng nhiều cư dân mạng đã bị thiệt hại nặng nề trước những lời hứa hẹn về lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch tiền điện tử.