Thêm một sàn giao dịch tiền số phá sản

Sàn giao dịch tiền số Voyager Digital đã nộp đơn xin phá sản với các khoản nợ ước tính lên đến 10 tỷ USD từ hơn 100.000 chủ nợ.

Đơn xin phá sản nộp tại New York (Mỹ), tài sản ước tính của công ty dao động từ 1-10 tỷ USD với các khoản nợ tương tự. Số lượng chủ nợ dự tính vượt quá 100.000 cá nhân, tổ chức.

Cuối tuần trước, Voyager đã dừng việc rút, gửi tiền và giao dịch tài sản với lý do để phù hợp với điều kiện thị trường hiện tại. Trước sự kiện trên, Voyager đã đưa ra thông báo về việc quỹ đầu cơ Three Arrows Capital (3AC) không trả được khoản vay 650 triệu USD dưới dạng 15.250 Bitcoin và 350 triệu USD stablecoin USDC. Bản thân 3AC đã đệ đơn phá sản cách đây không lâu.

"Tôi rất tin tưởng vào tương lai này, nhưng sự biến động và lây lan kéo dài trong thị trường tiền số vài tháng qua và việc 3AC vỡ nợ đòi hỏi chúng tôi phải hành động có cân nhắc và quyết đoán ngay bây giờ", CEO Stephen Ehrlich cho biết.

Khi 3AC có dấu hiệu vỡ nợ, Voyager đã vay thêm 200 triệu USD tiền mặt và USD Coin, kèm 15.000 Bitcoin. Các khoản vay trên được cho là sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và có lãi suất hàng năm 5% phải trả khi đáo hạn. Voyager cho biết họ có khoảng 137 triệu USD tiền mặt và sở hữu một lượng tài sản tiền số tính đến ngày 24/6.

Voyager Digital là nền tảng tiền số được thành lập năm 2018, cho phép người dùng đầu tư và trao đổi hơn 60 loại tài sản số khác nhau. Công ty này nổi lên như một trong những nền tảng giao dịch tiền số phát triển nhanh nhất tại Mỹ. Theo dữ liệu từ Investing, năm ngoái doanh thu của Voyager đạt hơn 224 triệu USD, tăng gần 146 lần so với cùng kỳ nhưng lỗ ròng hơn 66 triệu USD, gấp hơn 4,8 lần.

Voyager Digital phá sản nối dài danh sách tin tức xấu liên tiếp ập tới thị trường tiền số. Hồi đầu tuần, đơn vị cho vay tiền số Vauld đã tạm dừng hoạt động và tái cấu trúc do "những thách thức tài chính" gây ra bởi sự sụt giảm mạnh của tiền số. Công ty này cũng đang đàm phán và chuẩn bị có quá trình bị đơn vị khác mua lại.

Nguồn: CoinMarketCap; Đơn vị:USD

 

Trong khi đó, Core Scientific - một trong những công ty khai thác tiền số lớn nhất thế giới, đã bán phần lớn số Bitcoin nắm giữ vào tháng 6. Đơn vị này đã giao dịch 7.202 Bitcoin với giá khoảng 167 triệu USD, hiện giữ 1.959 Bitcoin và 132 triệu USD tiền mặt trên bảng cân đối kế toán. Tiền thu được từ việc bán Bitcoin được công ty sử dụng để thanh toán cho các máy chủ ASIC - thường được sử dụng để khai thác tiền số, đầu tư vào năng lực trung tâm dữ liệu và trả nợ theo lịch trình. Công ty cho biết sẽ tiếp tục bán số Bitcoin đã khai thác của mình để trả chi phí hoạt động và duy trì tính thanh khoản.

CEO Mike Levitt cho biết: "Ngành công nghiệp của chúng tôi đang phải chịu đựng căng thẳng to lớn khi thị trường vốn suy yếu, lãi suất tăng và lạm phát lịch sử".

Tại Canada, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) đã ghi nhận dòng tiền chảy ra hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2013 khi các nhà đầu tư bán phá giá vốn cổ phần và các quỹ tiền số. Theo số liệu từ National Bank Financial, ETF tài sản tiền số ghi nhận dòng chảy ròng gần 537 triệu USD vào tháng 6, chiếm khoảng 16% tài sản đang được quản lý.

Tuy không đến mức vỡ nợ hay phá sản, nhiều sàn giao dịch tiền số khác vẫn để lộ tình trạng căng thẳng khi liên tiếp sa thải nhân viên. Trong những tuần gần đây, Coinbase, Gemini, BitMEX, OSL, Abra và mới nhất là Bullish đều đã cắt giảm nhân viên. Lớn nhất là Coinbase - một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới, cắt đến 18% lực lượng lao động, tương đương 1.100 việc làm để kiềm chế chi phí và đối phó tình trạng thị trường biến động.

Vài tháng qua, thị trường tiền số gần như rơi vào khủng hoảng lớn nhất lịch sử. Hiện thị trường tiền số toàn cầu đang dao động quanh mức 870 tỷ USD, giảm gần 70% so với mức 3.000 tỷ USD khoảng sáu tháng trước. Giá Bitcoin đang quanh mức 19.000 USD, cú trượt dài từ mức 60.000 USD vào khoảng nửa năm trước.

Tương lai trước mắt của thị trường tiền số có vẻ không hứa hẹn. Lạm phát ở Mỹ đang duy trì con số cao kỷ lục ở mức 8,6%, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Theo Goldman Sachs, một cuộc suy thoái ở Mỹ là "rất có thể xảy ra". Kịch bản trên khiến dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro giảm mạnh.