Giá Bitcoin giảm mạnh trong khi phí vận hành tăng cao khiến thợ đào lâm vào cảnh nợ nần, buộc phải bán tháo lượng coin đang nắm giữ.
Thị trường tiền mã hóa đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn “mùa đông” tiếp theo với khối lượng giao dịch luôn ở mức thấp, giá Bitcoin và nhiều đồng tiền khác đồng loạt lao dốc. Điều này không chỉ gây hoang mang cho giới đầu tư mà còn khiến các thợ đào lâu năm bán tháo tài sản ra ngoài thị trường.
Lợi nhuận giảm, thợ đào bỏ cuộc
Theo các nhà nghiên cứu của MacroHive, số lượng thợ đào tham gia vào các sàn giao dịch có xu hướng tăng nhanh kể từ đầu tháng 6, đồng nghĩa với việc họ muốn thanh toán số đồng mình đang sở hữu. Thậm chí có nhiều người còn bán sạch số tài sản của mình ngay khi Bitcoin sụt giảm đến 45% giá trị, theo Arcane Research.
Xu hướng bất thường này đã manh nha xuất hiện từ đầu tháng 5 khi số Bitcoin bị các thợ đào bán đi vượt xa số đồng đào được. “Lợi nhuận giảm đã buộc các thợ đào phải xả 100% số coin đào được trong tháng 5. Đến tháng 6, tình hình này còn trở nên tồi tệ hơn, số lượng coin bán tháo sẽ tăng cao”, nhà phân tích Jaran Mellerud của Arcane chia sẻ.
Trong khi đó, cách đây vài tháng trước, họ chỉ bán khoảng 20% số coin của mình. Số còn lại sẽ được tích trữ hòng bán ra khi thị trường khởi sắc. Theo CoinMetrics, vào thời điểm đó, thợ đào là những hodler (người nắm giữ) Bitcoin kiên định nhất với số đồng sở hữu lên đến 800.000 BTC.
Năm 2021, khai thác tiền mã hóa được đánh giá là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh chóng nhờ giá trị Bitcoin tăng gấp nhiều lần chỉ trong một thời gian ngắn. Song, chính sự bành trướng này lại ảnh hưởng đến lợi nhuận thu được do số lượng thợ đào sẽ ngày một tăng.
“Chỉ trong 6 tháng trở lại đây, tỷ lệ băm (hash rate) và độ khó tăng cao trong khi giá đồng Bitcoin lại liên tục giảm. Điều này gây bất lợi cho các thợ đào coin, ảnh hưởng đến thu nhập của họ”, Joe Burnett, nhà phân tích của Blockware Solutions, nói.
Thắt lưng buộc bụng
Để khai thác Bitcoin, các thợ đào cần vận hành một mạng lưới máy tính khổng lồ, thực hiện các phép tính giải thuật toán để xác nhận giao dịch trước đó trong chuỗi khối (blockchain). Đi cùng với sự phát triển của thị trường tiền mã hóa, quá trình xử lý giao dịch của các thợ đào đang ngày trở nên phức tạp, đồng thời tiêu tốn nhiều chi phí hơn.
Cụ thể, phí tổn do năng lượng tiêu thụ ngày càng tăng đã khiến không ít thợ đào “nhụt chí”. Số liệu Cambridge Bitcoin Electricity Consumption Index đã chỉ ra lượng điện tiêu thụ hàng năm của mạng Bitcoin còn lớn hơn cả toàn lãnh thổ Philippines cộng lại.
“Họ buộc phải tắt bớt 'trâu cày' để tiết kiệm điện”, theo nhà nghiên cứu và phân tích Chris Brendler của D.A. Davidson.
Bên cạnh đó, công việc khai thác Bitcoin cũng không còn sinh lợi cao như trước. Về mặt nguyên tắc, sau khi đào thành công 210.000 khối, tương đương khoảng 4 năm, lượng Bitcoin là phần thưởng cho việc tạo khối sẽ bị giảm đi một nửa.
Do đó, trong vòng 2 năm tới, số coin thưởng của thợ đào sẽ giảm từ 6,5 BTC xuống còn 3,25 BTC, đồng nghĩa với việc phần thưởng quy ra tiền mặt sẽ giảm từ 136.500 USD xuống còn 65.625 USD vào năm 2024, Mashable ước tính dựa theo giá Bitcoin hiện tại.
Tất cả những yếu tố này đã khiến các thợ đào Bitcoin phải “thắt lưng buộc bụng”. Bằng chứng là nhiều người đang tìm cách bán linh kiện máy tính giờ đây không còn hữu dụng nữa.
Theo Kotaku, thợ đào đến từ Trung Quốc và Nam Á đang phá giá các GPU từng được dùng để đào tiền số Ethereum hoặc Litecoin trên các trang web thương mại điện tử. Nhiều công ty lớn, đào coin quy mô công nghiệp như Bitfarm cũng đang "xả hàng" khi treo bán 3.000 Bitcoin với tổng giá trị khoảng 62 triệu USD để trả nợ, tăng thanh khoản.
Song, theo Mashable, đây vẫn chưa phải là lúc thị trường tiền mã hóa lụi tàn. Vì thế, nếu thu nhập giảm, tính cạnh tranh thấp dần, các thợ đào kiên quyết ở lại sẽ là những người cuối cùng được lợi.
“Về cơ bản, đào Bitcoin là trò chơi có tổng bằng 0 (zero-sum), tức là những gì một người kiếm được tương đương với những gì người khác mất đi. Nếu vẫn quyết định ở lại thị trường trong khi những người khác tháo chạy, bạn sẽ là người sở hữu miếng bánh lợi nhuận khổng lồ sau này”, Charlie Schumacher, người đại diện của công ty tiền số Marathon Digital Holdings Inc, khẳng định.
(st)